* Phát hiện mới 58 điểm khoáng sản
Ông
Đỗ Văn Lĩnh - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam cho
biết: Kết quả “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Kon Plong” đã làm sáng tỏ về đặc điểm địa chất khu vực
nghiên cứu; đặc điểm thạch địa hóa, diện phân bố, quan hệ địa chất và
khoáng sản liên quan của 27 thành tạo địa chất có mặt trên diện tích
nhóm tờ, bao gồm 11 phân vị địa tầng; 3 phức hệ magma phun trào; 11 phức
hệ magma xâm nhập; 2 phức hệ biến chất không phân tầng.
Đặc
biệt, trên diện tích nhóm tờ Kon Plong đã đăng ký 100 điểm khoáng sản,
thuộc 22 loại hình khoáng sản gồm: 23 mỏ khoáng, 45 biểu hiện khoáng sản
và 32 biểu hiện khoáng hóa; trong đó đề án phát hiện mới 58 điểm.
Khoáng sản có triển vọng là đồng (mới phát hiện), urani (mới phát hiện),
bauxit, dolomit và khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Ngoài ra còn phát
hiện mới nhiều biểu hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hóa của chì,
sắt; các biểu hiện khoáng sản đá hoa, talc, felspat, kaolin.
Theo
ông Đỗ Văn Lĩnh, phát hiện nổi bật về khoáng sản có giá trị và ý nghĩa
hơn cả là phát hiện đồng, urani khu vực Kon Rá. Kết quả điều tra, đánh
giá đã xác định được tài nguyên cấp 333+334a là 75.932 tấn đồng kim loại
(Cu) và một số biểu hiện quặng urani. Những phát hiện mới về khoáng sản
này đã tạo ra tiền đề và dấu hiệu về điều tra, phát hiện các mỏ, biểu
hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hóa không chỉ quặng đồng có giá trị
mà nhiều khoáng sản kim loại khác trong các khu vực thuộc địa khối Kon
Tum; đã khoanh định diện tích khoáng sản đồng ở khu vực Kon Rá chuyển
giao cho giai đoạn thăm dò là 72,9ha.

Đo xạ đường bộ theo mặt cắt chi tiết khối granitoid ở sông Đắk Pô Ne. Ảnh: Trần Duân
Đồng
thời, Đề án cũng đã khoanh định 4 diện tích triển vọng khoáng sản
dolomit là Kon Tu, Kon Go, Kon Pne, Đắk Pne, sơ bộ xác định tài nguyên
cấp 333+334 khoảng 67,5 triệu tấn quặng dolomit. Tổng hợp kết quả điều
tra cũng đã khoanh định được 2 diện tích triển vọng quặng bauxit với tài
nguyên cấp 333+334 là 52 triệu tấn quặng tinh. Khoáng sản làm vật liệu
xây dựng cũng khá phong phú về chủng loại, gồm đá xây dựng, đá ốp lát,
sét gạch ngói, cát-cuội sỏi xây dựng, đây là cơ sở phục vụ cho quy hoạch
thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây
dựng của các tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
“Đề
án đã xác định được tài nguyên và khoanh định các diện tích có triển
vọng khoáng sản để đề xuất cho công tác đánh giá, thăm dò tiếp theo, bao
gồm 13 diện tích triển vọng đó là khoáng sản đồng, urani, nhôm,
dolomit, basalt ốp lát”, ông Đỗ Văn Lĩnh nhấn mạnh.
* Hơn chục năm nỗ lực hoàn thành đề án
Để
đạt được những kết quả nổi bật trên, Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam
đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Duân - Chủ nhiệm đề án
thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, thời gian thi công đề án quá
dài, từ năm 2007 đến năm 2020 nên nhân lực bị xáo trộn nhiều, cán bộ kỹ
thuật tham gia thi công bị phân tán và nghỉ hưu theo chế độ; phải trải
qua nhiều lần thay đổi Quy chế, Quy chuẩn đo vẽ lập bản đồ địa chất và
điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; nhiều lần điều chỉnh đơn giá hết sức
phức tạp theo điều chỉnh lương cơ bản; kinh phí cấp để thi công hàng
năm hạn chế, thậm chí nhiều năm không cấp kinh phí để thi công đề án
(2010-2013), việc này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm và tư tưởng của
viên chức và người lao động của đề án.
Không
những thế, điều kiện địa hình trong diện tích đề án rất phức tạp, mức
độ phân cắt mạnh, giao thông rất khó; điều kiện khí hậu không thuận lợi,
thường bắt đầu có mưa từ đầu tháng 4 hàng năm, thi công trong mùa mưa,
nên gặp nhiều khó khăn, vất vả trong thi công thực địa.
Ngoài
ra, phương tiện vận chuyển phục vụ thi công thực địa đề án đều thuộc
loại lạc hậu, cũ và luôn hỏng hóc, gây không ít khó khăn trong việc vận
chuyển thiết bị vật tư, máy móc con người, mẫu vật từ trong nội vùng
nghiên cứu của nhóm tờ.

Kaolin phong hóa từ đai mạch granit aplit phức hệ Hải Vân tại biểu hiện khoáng sản kaolin Đắk Uy. Ảnh: Trần Duân
Hơn
nữa, nhiều thủ tục qui định về việc vận chuyển, lưu cất giữ vật liệu nổ
phục vụ cho công tác khai đào liên tục thay đổi..., ảnh hưởng rất nhiều
đến tiến độ thi công và chất lượng thi công các công trình khai đào
trong tầng đá, quặng có độ cứng lớn và ở độ sâu 5-8m.
Để
giải quyết những khó khăn trên, ông Đỗ Văn Lĩnh cho rằng, không chỉ đề
án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ
Kon Plong” mà các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện
theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 49:2012/BTNMT về lập bản đồ địa
chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; ngoài khối lượng thiết kế
phục vụ công tác đo vẽ lập bản đồ và điều tra khoáng sản đối với các
phương pháp truyền thống, cần bố trí thiết kế số chuyên đề cần thiết
phải nghiên cứu chuyên sâu về địa chất, cấu tạo và sinh khoáng. Đặc biệt
là khối lượng công tác Địa vật lý, khoan sâu lấy mẫu, phân tích các
loại mẫu bằng cấc phương pháp hiện đại nhằm xác định chính xác thành
phần vật chất của đá và quặng cũng như tuổi tuyệt đối, môi trường thành
tạo chúng...
Theo
ông Trần Duân, một vấn đề quan trọng khác việc chi trả lương người lao
động theo thâm thiên khiến không khuyến khích thu hút được các kỹ sư trẻ
có năng lực yên tâm tư tưởng để công tác và cống hiến cho Ngành. Đây là
một bất cập mà Đề án đang gặp phải trong phân phối thu nhập năm 2018,
2019 và năm 2020. Đề nghị cần được xem xét và sớm điều chỉnh cho phù hợp
với tình hình thực tế.