1. Vùng có khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thuộc tầng chứa nước Holocen (qh).
Do tầng chứa nước Holocen (qh) là tầng chứa nước không áp, nằm nông gần mặt đất nhất, vì vậy phương pháp thích hợp để bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thuộc tầng chứa nước này là thông qua các bồn thấm và ao thấm với các khu vực có tiêu chí như sau:
- Khu vực có lớp phủ bề mặt mỏng, chiều dày lớp phủ < 5m;
- Khu vực giầu nước, mực nước không nằm quá sát mặt đất;
- Khu vực gần nguồn nước mặt thuận lợi cho việc bổ sung nhân tạo
Trong báo cáo đã xác định được các khu vực có khả năng bổ sung nhân tạo cao cho nước dưới đất tập trung theo các nguồn nước mặt lớn trong khu vực như ở ven sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, một phần dọc theo sông Sặt và sông Cẩm Giàng với diện tích phân bố khoảng 105,6km2.
2. Vùng có khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thuộc tầng chứa nước Pleistocen (qp).
Tầng chức nước qp là tầng chức nước có áp, độ sâu lớn, do đó việc áp dụng các phương pháp bồn thấm hay ao thấm gần như không có hiệu quả. Đối với tầng chứa nước này chỉ có thể áp dụng phương pháp bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thông qua hệ thống các giếng khoan thấm lọc được đặt gần hoặc ngay trong nguồn nước mặt.
Trong báo cáo đã xác định được các khu vực có khả năng bổ sung nhân tạo cao là các khu vực có các tiêu chí sau: khu vực có chiều dày tầng chứa nước lớn hơn 30,0m; hệ số thấm lớn hơn 40,0m/ngày, bao gồm một dải thuộc huyện Cẩm Giàng (khu vực ven sông Sặt, sông Cẩm Giàng và sông Thái Bình), một phần huyện Nam Sách (khu vực ven sông Thái Bình) và thành phố Hải Dương (khu vực ven sông Thái Bình và sông Sặt) với diện tích phân bố khoảng 187,4km2.
Ths: Mai Văn Tâm -Phòng Tài nguyên nước