Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy và
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh chủ trì Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết:
Đến nay, đã có 137 lượt góp ý cho dự thảo Luật với 609 ý kiến. Trong đó,
tại Kỳ họp thứ 5, đã có 98 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại
Tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường với 112 ý
kiến góp ý và 04 ý kiến góp ý bằng văn bản. Tại khi họp lần thứ 25
UBTVQH có 5 lượt góp ý với 31 ý kiến. Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách có 7
lượt góp ý với 27 ý kiến. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết
ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội
dung của dự thảo Luật.
Ngay sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức
nhiều hội thảo, tham khảo ý kiến chuyên gia, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo
Luật. Ý kiến các vị ĐBQH đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình tại báo
cáo 48 báo cáo trang kèm theo bộ tài liệu gửi thành viên Ủy ban tại
Phiên họp toàn thể Ủy ban và gửi xin ý kiến 63 đoàn ĐBQH và các cơ quan
hữu quan.
Đến thời điểm này, dự thảo Luật đã là phiên bản chính thức thứ 7, chưa
kể các phiên bản phụ khác theo từng đợt hội thảo xin ý kiến. Dự thảo
Luật theo phiên bản gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH gồm 10 chương 86 Điều.
Qua rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, Thường
trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật
đã thể chế và cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chính sách của Đảng trong
toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về
bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách
lớn đã được Chính phủ trình theo Tờ trình số 162 và được Quốc hội thống
nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa
ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, nhà khoa học,
lãnh đạo các Sở TN&MT, doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước đã
phát biểu đánh giá cao Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ
TN&MT chủ trì xây dựng, soạn thảo. Các đại biểu cũng cho rằng, việc
sửa đổi Luật Tài nguyên nước là yêu cầu cần thiết góp phần bảo vệ nguồn
tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Dự thảo Luật tài
nguyên nước (sửa đổi) được biên tập công phu và đã cập nhật, sửa đổi các
vấn đề bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội
dung về: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách và các nội
dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài
nguyên nước, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; điều hành khai
thác, sử dụng nước theo thời gian thực, tổ chức lưu vực sông,…
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại diện Sở
TN&MT Đà Nẵng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các
địa phương trong cùng một lưu vực sông nhằm phối hợp, tham vấn, chia sẻ
nguồn nước hiệu quả. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng khai thác, sử
dụng nước phục vụ dập bụi, dập lửa, xử lý sự cố, rửa vệ sinh,…
Về chức bộ máy của Ủy ban lưu vực sông
liên tỉnh, đề nghị xem xét giao quyền điều phối cho các địa phương.
“Trong đó, Bộ TN&MT là trọng tài, trong quá trình hoạt động mà các
địa phương không thống nhất được thì Bộ TN&MT sẽ thực hiện việc điều
phối này” - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đề xuất.
Cho ý kiến tại Điều 2, đại điện Sở
TN&MT Bình Định đề nghị, cần quy định rõ về loại hình công trình
khai thác, sử dụng nước; xả nước thải vào nguồn nước dưới đất, làm rõ
khái niệm, phương thức như thế nào gọi là xả nước thải vào nguồn nước
dưới đất. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm để tưới cây phải được
quản lý, tính tiền cấp quyền;…
Đại biểu TS. Lê Hùng, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng kiến nghị, dự
thảo Luật cần bổ sung chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài
nguyên nước; số liệu khí tượng thuỷ văn, tài nguyên nước cần phải được
quan trắc, giám sát theo thời gian thực. “Việc xây dựng bản đồ ngập lụt
đang giao cho từng hồ nhưng cần thiết phải xây dựng cho cả lưu vực sông
và từng hồ đóng góp kinh phí vào để xây dựng bản đồ ngập lụt chung trên
lưu vực sông” - TS. Lê Hùng đề xuất.
Phát biểu bày tỏ quan điểm thống nhất với TS. Lê Hùng về vấn đề đóng góp
kinh phí vào để xây dựng bản đồ ngập lụt, đại diện Công ty cổ phần thuỷ
điện Sông Ba cho biết, các chủ hồ sẵn sàng muốn đóng góp, nhưng cần quy
định rõ ai đứng ra tiếp nhận, điều phối vận hành theo thời gian thực…
Phát biểu giải trình các ý kiến đóng
góp tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh
thay mặt cơ quan soạn thảo bày tỏ sự cám ơn những ý kiến đóng góp có ý
nghĩa và quý báu đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). “Việc
sửa đổi Luật Tài nguyên nước là rất cần thiết nhằm phù hợp yêu cầu phát
triển đất nước trong thời kỳ mới. Những ý kiến của các đại biểu sẽ tiếp
tục được cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu trong quá trình hoàn
thiện Luật” - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh nhấn
mạnh.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công
nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, tất các các
ý kiến đóng góp đối với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Ủy ban
Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp, tiếp thu đầy đủ và có báo
cáo giải trình tiếp thu cụ thể (tiếp thu ở đâu, tiếp thu vào khoản nào,
điều nào và giải trình như thế nào).
Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Nguyễn Thị Lệ Thủy yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ thuộc Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi trường ghi chép đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại
biểu... “Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng
góp của các đại biểu cho đến ngày dự thảo Luật được Quốc hội cho ý kiến
vào Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tới đây (tháng 10/2023)” - Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy chia
sẻ.