1. Khái niệm về “nền kinh tế xanh” Một “nền kinh tế xanh” hay còn gọi là “nền kinh tế carbon thấp” hoặc “tăng trưởng xanh” được định nghĩa là một hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ ít sử dụng hoặc ít làm tổn hại tới tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước; hạn chế đến mức thấp nhất sự phát thải carbon và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất. Cách tiếp cận về nền kinh tế xanh là kết quả trong nhiều năm của các nhà quản lý và nhà khoa học kêu gọi về “phát triển bền vững” bao gồm ba mảng: bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường và bền vững về xã hội.
Muốn đạt được cách tiếp cận về tăng trưởng xanh, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các nhà quản lý thông việc ban hành các quy định trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; của nhà sản xuất thông qua việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường và thái độ của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm xanh.
2. Mối quan hệ giữa “tài nguyên nước” và “nền kinh tế xanh”
Gần như không ngành sản xuất và sinh hoạt nào lại không có mối liên hệ ít nhiều với tài nguyên nước. Từ ly cà phê sáng, bữa cơm hàng ngày, các vật dụng gia đình đến công sở, các phương tiện vận chuyển, báo chí.v.v. đều phải sử dụng một lượng nước trong sản xuất để sản xuất ra sản phẩm đó (hay còn gọi với khái niệm “nước ảo”) và thải ra môi trường một lượng nước thải nào đó.
Nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao theo mức tăng dân số, phát triển kinh tế, mở rộng diện tích canh tác, thâm canh trong nông nghiệp cũng như nhu cầu nâng cao mức sống hay hưởng thụ vật chất ngày càng tăng của con người. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương dự báo tổng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước đến năm 2020 vào khoảng 1,4 tỷ m3/năm (Nguồn: Báo cáo quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2007-2020). Mặt khác hiện tượng nóng lên toàn cầu làm khí hậu biến đổi thì càng dễ dẫn đến nhiều nguy cơ bất ổn về tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước mặt từ các dòng sông.
Từ các mối đe dọa và giảm sút về số lượng và chất lượng nguồn nước, nhất là ở các lưu vực sông trong những năm gần đây, vì vậy khái niệm tăng trưởng xanh (green growth) ngày càng được khuyến kích như một giải pháp phát triển theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; “xanh” ở đây được hiểu theo nghĩa là màu sắc tượng trưng cho sự trong lành. “Nền kinh tế xanh” đã thực sự trở thành một khẩu hiệu chiến lược cổ vũ cho sự phát triển xanh và bền vững.
Từ các luận cứ trên, chúng ta nhận thấy rằng việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước là một trong những điều kiện kiên quyết để hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững là một việc làm rất cần thiết cả trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
KS Mai Văn Tâm
(Phòng Tài nguyên nước)
|
|
|
|
|
|
|
|